Tổng quan Bệnh viện Việt Đức

Ngày 8 tháng 1 năm 1902, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1904 bệnh viện thực hành của trường được xây dựng với tên gọi là Nhà thương bản xứ.

Theo thời gian, bệnh viện mang các tên gọi khác nhau qua từng giai đoạn phát triển:

  • Nhà thương bản xứ (1904-1906)
  • Nhà thương bảo hộ (1906-1943)
  • Bệnh viện Yersin (1943-1954)
  • Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1958)
  • Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CHDC Đức (1958-1991)
  • Bệnh viện Việt Đức (1991 đến nay)

Bệnh viện Việt - Đức ngày nay tọa lạc trên khuôn viên cũ của Nhà thương bản xứ hơn 100 năm trước có diện tích mặt bằng khoảng 30.000 mét vuông giữa trung tâm thủ đô Hà Nội với 3 mặt giáp đường Tràng Thi, Phủ Doãn, Quán Sứ.

Bệnh viện Việt Đức là tuyến cao nhất của ngành Ngoại khoa miền Bắc, Việt Nam. Với hơn 150 giáo sư, bác sĩ của bệnh viện và của trường Đại học Y Hà Nội, mỗi năm bệnh viện tiến hành khoảng 28.000 ca phẫu thuật thuộc nhiều chuyên khoa sâu khác nhau.

Bệnh viện có 08 phòng chức năng, 18 khoa lâm sàng, 09 khoa cận lâm sàng và 01 đơn vị trực thuộc cùng với 05 bộ môn của trường đại học Y Hà Nội đặt tại bệnh viện thực hiện các chức năng:

  • Cấp cứu, khám chữa bệnh
  • Đào tạo
  • Nghiên cứu khoa học
  • Chỉ đạo chuyên khoa
  • Phòng bệnh
  • Hợp tác quốc tế
  • Quản lý kinh tế